Người hưởng lương hưu cao nhất hơn 100 triệu đồng mỗi tháng

Mức lương hưu cao nhất Việt Nam thuộc về một người đàn ông ở TP HCM nghỉ hưu từ năm 2015.

Trao đổi với báo chí chiều 31/10, bà Đinh Thu Hiền – Phó trưởng Ban thực hiện chính sách, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, cho biết hiện mức lương hưu cao nhất ở Việt Nam thuộc về người đàn ông từng làm việc cho một công ty nước ngoài ở TP HCM.

Đại diện Bảo hiểm xã hội giải thích, người đàn ông này tham gia bảo hiểm xã hội trong 23 năm 3 tháng. Trước năm 2006, số tiền đóng bảo hiểm không bị giới hạn mức trần, vì thế trung bình trong hơn 15 năm đầu, ông đóng 69 triệu đồng/tháng. Đến thời điểm Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 có hiệu lực, mức trần đóng bảo hiểm được giới hạn không quá 20 tháng lương cơ sở. Mức đóng của người này trong những năm còn lại tính trung bình khoảng 18 triệu đồng/tháng.

“Ông được lĩnh lương hưu mức 87 triệu đồng/tháng. Sau 2 lần điều chỉnh lương hưu, mức này tăng lên hơn 100 triệu đồng/tháng”, bà Hiền nói.

Theo bà Hiền, mức hưởng lương hưu phụ thuộc vào mức đóng bảo hiểm xã hội và thời gian đóng. Nhiều người đóng bảo hiểm xã hội trên cơ sở chuẩn nghèo hiện nay là 700.000 đồng/tháng, nếu nghỉ hưu và đóng đủ năm cũng chỉ nhận được trên 500.000 đồng/tháng.

Đại diện Bảo hiểm xã hội cũng cho biết, thống kê trên toàn quốc có hơn 3.200 người hưởng lương hưu dưới 1,3 triệu đồng mỗi tháng. Trong đó phần lớn là cán bộ xã chuyên trách, giáo viên mầm non; nhiều người đóng bảo hiểm xã hội 20 năm hưởng mức lương hưu bằng 55-65% mức lương cơ sở (mức lương cơ sở năm 2017 là 1.300.000 đồng/tháng).

nguoi-huong-luong-huu-cao-nhat-hon-100-trieu-dong-moi-thang

Cô giáo mầm non Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh hưởng lương hưu 1,3 triệu đồng. Ảnh: Lê Đức Hùng. 

Theo đại diện Bảo hiểm xã hội, từ 1/1/2018, lao động nữ khi đóng đủ 15 năm bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm; từ năm thứ 16 trở đi, mức hưởng tăng thêm 2%; đóng đủ 30 năm được hưởng lương hưu tối đa 75% (thay vì đóng 25 năm như hiện nay).

Ông Phạm Lương Sơn – Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội, nói cơ quan này đã phản ánh các vấn đề bất cập tới Bộ Lao động để điều chỉnh chính sách phù hợp hơn, theo hướng bảo vệ quyền lợi của lao động nữ. Tuy nhiên, để sửa Luật Bảo hiểm xã hội thì cần có thời gian và phải được Quốc hội xem xét.

Trên diễn đàn Quốc hội ngày 31/10 đã có nhiều ý kiến thảo luận xung quanh lương hưu của cô giáo mầm non Trương Thị Lan (tỉnh Hà Tĩnh), với mức 1,3 triệu đồng mỗi tháng.

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi, cô giáo Lan đi dạy 37 năm, nhưng chỉ có 22 năm 8 tháng đóng bảo hiểm (trước đó cô Lan đi dạy theo hình thức tự nguyện và hưởng theo mức đóng góp công điểm của người dân). Với trên 22 năm công tác, mức lương đóng bảo hiểm 1,8 triệu đồng/tháng, tỷ lệ tính lương hưu là 69% mức lương đóng bảo hiểm, nên lương hưu của cô giáo Lan thực chất chỉ được gần 1.270.000 đồng.

“Quốc hội chúng ta rất sáng suốt khi quy định tất cả người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi về hưu mà mức lương thấp hơn mức lương cơ sở thì được tính bằng lương cơ sở. Nên chị Lan được cấp bù thêm 37.000 để được 1,3 triệu đồng”, ông Lợi nói.

Đoàn Loan